Chúng tôi nhận định rằng chất lượng của cơ sở giáo dục đại học nằm chủ yếu ở các sản phẩm mà nó tạo ra, đồng thời một phần khác ở nguồn lực giúp nó tạo ra các sản phẩm đó. Sản phẩm của cơ sở giáo dục đại học quan trọng nhất ở tri thức đóng góp cho xã hội (đo bằng kết quả nghiên cứu đã công bố, đề tài khoa học, v.v..), và nguồn nhân lực chất lượng cao mà trường đào tạo được cho xã hội (đo bằng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, giảng viên/sinh viên, chất lượng đầu vào, v.v..). Tiêu chí còn lại cũng rất quan trọng, gắn với cơ sở vật chất là nền tảng đảm bảo một môi trường học thuật có chất lượng.

Theo cách này, chúng tôi xây dựng ba thước đo (indicator/proxy) dùng để xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam: (1) nghiên cứu khoa học, (2) giáo dục và đào tạo, và (3) cơ sở vật chất và quản trị. Cách xếp hạng các trường đại học Việt Nam được đề xuất trong báo cáo này tham khảo hướng dẫn của bộ nguyên tắc Berlin (xem thêm Phụ lục báo cáo).

Mỗi tiêu chí thành phần được lựa chọn phải thỏa mãn các điều kiện sau:

  1. Tiêu chí cần phù hợp (conformable) với nguyên tắc xếp hạng đã đề ra;
  2. Tiêu chí cần phải lượng hóa được (measurable) dưới dạng số liệu (data);
  3. Tiêu chí cần phải giúp phân biệt được một cách định lượng cao thấp (differentable) giữa các trường với nhau;
  4. Số liệu cho tiêu chí cần phải thu thập được (collectable) từ các nguồn công khai trên internet, bao gồm trang web của trường, cơ sở dữ liệu khoa học quốc tế (Web of Science);
  5. Số liệu cho tiêu chí phải hiện hữu trên đa số (prevalent) trường được lựa chọn.

Với mỗi tiêu chí, chúng tôi cố gắng cân bằng giữa chất lượng và quy mô. Nếu chỉ tập trung vào khía cạnh chất lượng [1], những đơn vị nhỏ, chưa được biết đến, số lượng sinh viên ra trường ít, kèm theo đó là tầm ảnh hưởng của nguồn nhân lực được nhà trường đào tạo đến sự phát triển của xã hội thấp hơn lại có thế có thứ hạng cao. Ngược lại, nếu chỉ tập trung vào quy mô, các cơ sở giáo dục đại học lớn (về số lượng sinh viên, đội ngũ giảng viên và nguồn lực về cơ sở vật chất) sẽ dễ dàng có vị trí rất cao trong bảng xếp hạng. Điều này dẫn tới vị trí này sẽ gần như không đổi hàng năm, trong khi yếu tố quan trọng là sản phẩm đầu ra của cơ sở giáo dục đại học (kết quả nghiên cứu, chuyên môn của người được đào tạo) bị xem nhẹ. Trong bảng xếp hạng lần này, chúng tôi phân bổ hai các tiêu chí lượng hóa quy mô:chất lượng theo tỷ lệ tương đương 1:1.

———————————————–

[1]  Khái niệm “chất lượng” hay “năng suất” trong hầu hết các nội dung của báo cáo này được tính bằng cách chuẩn hóa theo đầu người, ví dụ như chất lượng nghiên cứu được xác định bằng tổng đầu ra của nghiên cứu của đơn vị được trung bình hóa trên đầu một nhà nghiên cứu. Riêng đối với tiêu chí nghiên cứu khoa học, “chất lượng” của cơ sở nghiên cứu được giả thiết tỷ lệ với “số lượng” ấn phẩm trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục SCI/SCIE.