Với Việt Nam[1], vấn đề đánh giá và xếp hạng đại học cũng đã được đặt ra tương đối sớm. Ngay từ những năm 2010 một Hội thảo khoa học vê “Đánh giá–Xếp hạng các trường đại học và cao đẳng Việt Nam” đã được tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh (BLLĐHCĐVN, 2010). Mặc dù tại Hội thảo này, không có một xếp hạng trường đại học nào được đưa ra, nhưng Hội thảo này cũng đã đặt những nền móng ban đầu thông qua việc giới thiệu kinh nghiệm xếp hạng tại các nước cho việc nghiên cứu xếp hạng trường đại học Việt Nam. Cũng từ rất sớm, các trường đại học của Việt Nam cũng đã ý thức được việc xếp hạng giáo dục đại học là xu hướng toàn cầu (Ngọt, 2011).

Việc đánh giá và xếp hạng đai học cũng đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, với lần đầu tiên được đề cập đến là trong “Nghị định Quy định Tiêu chuẩn Phân tầng, Khung Xếp hạng và Tiêu chuẩn Xếp hạng Cơ sở Giáo dục Đại học” số 73/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 8/9/2015. Dự kiến, trong thời gian tới, việc đánh giá xếp hạng đại học sẽ được triển khai. Tuy nhiên, theo nội dung của Nghị định này thì các tiêu chí đánh giá xếp hạng đại học của Việt Nam sẽ khác biệt về cơ bản so với cách đánh giá xếp hạng của thế giới. Điều này, ở góc độ nào đó đã đặt đại học Việt Nam ra khỏi bức tranh chung của giáo dục đại học toàn cầu. Đồng thời, dự thảo tập trung chủ yếu vào việc phân tầng các cơ sở giáo dục đại học.

Ở Việt Nam hiện tại có hai bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học được nhiều người biết đến nhất là Webometrics của phòng thí nghiệm Cybermetrics[2]Scientometrics for Vietnam  của Nhóm trắc lượng khoa học Việt Nam.[3]

Webometrics là bảng xếp hạng quốc tế, tập trung chủ yếu vào việc xếp hạng các websites và một phần tài nguyên học thuật của các cơ sở giáo dục đại học để đánh giá chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học. Bảng xếp hạng này được xây dựng dựa trên bốn (04) tiêu chí . Thứ nhất, Webometrics đo mức độ xuất hiện (presence) trên internet, chấm điểm số lượng trang web của trường và số tài liệu có chất lượng (ví dụ: PDF, DOCX) được chia sẻ trên đó, với 5% trọng số. Tiêu chí thứ hai nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của trường (visibility), bằng cách đếm số liên kết trên internet có link đến trang web của trường, với trọng số lớn nhất, 50%. Tiêu chí thứ ba dùng để xếp hạng là tính minh bạch (transparency) hay độ mở (openess), thông qua đo số lượng trích dẫn chọn lọc top học giả công tác tại trường bằng cách sử dụng công cụ tra cứu Google Scholar Citation, trọng số 10%. Cuối cùng là số công trình khoa học thuộc top 10% thuộc 26 chuyên ngành trong vòng 5 năm (2011-2015) tìm trên Scimago, với trọng số 35%. Mặc dù bảng xếp hạng này ngày càng được chú ý là đánh giá đầu tiên và đầy đủ nhất các trường đại học Việt Nam, nhưng chúng tôi cho rằng việc xếp hạng giữa các trường đại học nếu chỉ dựa trên sự phổ biến của website (chiếm 55%) và số ấn phẩm khoa học và trích dẫn top đầu (45%) có thể chưa phù hợp. Rõ ràng, sự phổ biến của website trường không có nghĩa trường đó có chất lượng tốt nhất, đặc biệt khi trọng số cho chỉ số này rất lớn, chiếm 55%. Trong khi đó, các đại học Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, việc có ấn phẩm khoa học trên tạp chí quốc tế có chất lượng đã là một thách thức, nếu chỉ lọc ra top 10% tác giả có trích dẫn nhiều nhất sẽ dẫn tới một loạt các trường không có số liệu để so sánh, điều rất nên tránh khi xếp hạng (xem thêm Phụ lục về nguyên lý Berlin).

Bảng xếp hạng của Scientometrics for Vietnam do một nhóm các nhà nghiên cứu độc lập của Việt Nam xây dựng. Bảng xếp hạng này tập trung đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở nghiên cứu tại Việt Nam. Ấn phẩm yêu cầu nằm trên các tạp chí khoa học quốc tế có chất lượng tốt thuộc danh mục tổng hợp bởi Information Sciences Institute (ISI) [4]. Bảng xếp hạng này hiện được duy trì và cập nhật tương đối thường xuyên, và còn đi sâu vào xếp hạng và đánh giá các cơ sở giáo dục đại học ở phạm vi chuyên ngành hẹp. Mặc dù bảng xếp hạng này cũng ngày càng nhận được sự quan tâm của các truyền thông và các cơ sở giáo dục đại học, nhưng bảng xếp hạng này chỉ tập trung vào một khía cạnh của chất lượng giáo dục – đó là kết quả nghiên cứu, bỏ qua những khía cạnh khác của chất lượng giáo dục đại học.

Ngoài hai bảng xếp hạng nói trên, hàng năm tại Việt Nam còn diễn ra các Hội thảo Kiểm định Chất lượng Phân tầng Xếp hạng Đại học do Hiệp hội các Trường Đại học-Cao đẳng Việt Nam tổ chức. Các hội thảo này đã nêu lên tầm quan trọng và sự cần thiết của việc phải nghiên cứu để xây dựng một bảng xếp hạng cho các cơ giáo dục đại học phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam đồng thời vẫn đảm bảo được quá trình hội nhập quốc tế. Song song với hội thảo nào, nhiều nhóm chuyên gia độc lập đã tiến hành nghiên cứu nhằm xếp hạng tổng thể các cơ sở giáo dục đại học trong nước. Tuy nhiên, sau nhiều hội thảo và tranh luận, vẫn chưa có một bảng xếp hạng toàn diện chính thức nào được đưa ra (Phường và Hiệp, 2009; Hiên, 2015).

Theo nhận định của chúng tôi, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong vài chục năm trở lại đây đã gặt hái được rất nhiều thành tựu. Tuy nhiên có ba vấn đề mà rất nhiều  trường đang gặp phải, đó là: (i) thiếu động lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng mạnh mẽ; (ii) thiếu động lực trong minh bạch thông tin; và (iii) thiếu động lực hội nhập quốc tế. Việc có một bảng xếp hạng toàn diện hơn hai bảng xếp hạng của Webometrics  và Scientometrics for Vietnam cho các cơ sở giáo dục đại học có thể góp phần giúp giải quyết ba vấn đề này. Đây chính là một trong những lý do nhóm nghiên cứu tiến hành triển khai dự án xếp hạng.

Đề án xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam này được bắt đầu tiến hành từ năm 2014, thông qua nhiều bước, bao gồm xây dựng tiêu chí, thử nghiệm mẫu số nhỏ, tối ưu hóa tiêu chí, thu thập số liệu ở số lượng mẫu quy mô lớn, xử lý số liệu và thiết lập bảng xếp hạng.

Báo cáo này trình bày một so sánh định lượng và khách quan một số chọn lọc các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với nhau [5]. Việc so sánh được tiến hành dựa trên một bộ tiêu chí do chúng tôi đề xuất, sao cho chúng có thể đo lường được, có thể thu thập từ nguồn số liệu công khai, khả tín, từ đó giúp tự kiểm chứng độc lập kết quả.

Bảng xếp hạng hướng tới nhiều đối tượng khác nhau. Đối với chính phủ, nó có thể xem như một nguồn tài liệu tham chiếu nào đó trong hoạch định các chính sách về giáo dục đại học. Đối với học sinh và phụ huynh học sinh, bảng xếp hạng có thể như một tài liệu so sánh và tham khảo hữu ích giữa các cơ sở giáo dục đại học, khi trước khi đi sâu vào lựa chọn những trường phù hợp với năng lực và sở thích để phát triển sự nghiệp. Đối với chính các cơ sở giáo dục đại học, bảng xếp hạng có thể được coi như một lăng kính giúp các trường tự đánh giá lại những mặt mạnh và yếu của mình trong tương quan với các cơ sở khác, để từ đó góp phần nâng cao tính minh bạch, cải thiện hơn nữa năng lực theo hướng tiệm cận các chuẩn mực quốc tế.

——————————————————–

[1] Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hiện nay có sự pha trộn giữa hai mô hình. Phần lớn đại học được sắp xếp theo chuyên ngành hẹp và tập trung kiểu Liên Xô (chia theo lĩnh vực: kinh tế, kỹ thuật, dược, sư phạm, khoa học tự nhiên, v.v…) và một số ít các đại học theo khu vực, đa ngành kiểu Âu Mỹ (các đại học quốc gia, Đại học Đà Nẵng/Huế,…).

[2] http://www.webometrics.info/en/Asia/vietnam

[3] http://scientometrics4vn.com

[4] Giới thiệu về phương pháp của Sciencetometrics for Vietnam: http://scientometrics4vn.com/methodology/

[5] Do nguồn lực hạn chế, đặc biệt là khâu thu thập và xử lý số liệu đặc biệt tốn kém về thời gian cũng như sức người, chúng tôi chỉ lựa chọn 49 trường để thử nghiệm xếp hạng trong đề án này. Sau giai đoạn thử nghiệm, chúng tôi có thể sẽ cân nhắc mở rộng việc xếp hạng đối với toàn bộ các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam.